CÔNG TY CP ĐẦU TƯ HẠ TẦNG INTRACOM

  • Tin tức báo chí
  • by Admin
  • 22 Tháng Sáu, 2023

Thị trường trầm lắng, doanh nghiệp xây dựng cần làm gì?

Hàng loạt doanh nghiệp ngành xây dựng đang chứng kiến giai đoạn trầm lắng của thị trường. Có doanh nghiệp điêu đứng, có doanh nghiệp “bất động”, song, có doanh nghiệp lại đón bắt được thời cơ để có những bước đột phá! Vậy, hành trang nào mà các doanh nghiệp xây dựng cần chuẩn bị sẵn sàng, trước khi thị trường náo nhiệt trở lại?

“Tác động kép”: Trong thách thức, thấy cơ hội

Hệ lụy của việc tăng giá vật liệu và sự đóng băng của thị trường BĐS đã tạo ra “tác động kép” nặng nề lên ngành xây dựng. Nếu như giai đoạn trước đây, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều công trình, dự án phải ngừng hoạt động thì đến năm 2022, giá vật liệu tăng lại khiến cho doanh nghiệp khó càng thêm khó! 30-40% là tỷ lệ tăng giá chung của vật liệu. Trong khi đó, cơ chế giảm 5% trong chỉ định thầu và tỷ lệ nợ phải thu của các doanh nghiệp xây dựng lên đến 60 – 70%.

Giá nguyên vật liệu có xu hướng tăng

Chưa dừng lại ở đó, việc nhà nước thắt chặt tín dụng để kìm chế lạm phát, ổn định nền kinh tế đã trực tiếp ảnh hưởng đến thị trường bất động sản, gây ra tình trạng đóng băng, ảm đảm. Thanh khoản thị trường giảm về đáy. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp trong ngành xây dựng.

Những “tác động kép” của thị trường đã đẩy các doanh nghiệp xây dựng vào tình trạng báo động. Kéo theo đó là hàng loạt tác động tiêu cực đến an sinh xã hội như: Người lao động không có công ăn việc làm, tỉ lệ thất nghiệp tăng… Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn đứng trước nguy cơ phá sản.

Nỗ lực vượt khó – tìm kiếm giải pháp để tồn tại

Trong hoàn cảnh đó, nhiều cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng liên tục được tổ chức, từ cấp Trung ương đến địa phương, các tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp… Mới đây nhất, Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của gần 50 doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xây dựng. Cuộc họp thảo luận về những giải pháp tháo gỡ khó khăn và kiến nghị, đề xuất để ngành xây dựng vượt khó.

Doanh nghiệp xây dựng cần tìm giải pháp để vượt qua giai đoạn này
(Ảnh minh họa)

Thị trường đang dần thay đổi. Yêu cầu của khách hàng cũng đang thay đổi. Bên cạnh việc tập trung vào chất lượng công trình, các doanh nghiệp xây dựng cần thay đổi mô hình hoạt động để phù hợp với thị trường, tối ưu hóa tài nguyên, quy trình và quản lý rủi ro để nâng cao năng lực cạnh tranh và nắm bắt yêu cầu mới của thị trường.

Các doanh nghiệp xây dựng cần đẩy mạnh liên kết, hỗ trợ nhau để vượt qua thời gian khó khăn. Trong đó, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp xây dựng cần thúc đẩy các quan hệ đối tác kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Chia sẻ với nhau về nguồn lực, kiến thức, hợp tác cùng nhau trong các dự án, gói thầu, là cách mà các doanh nghiệp xây dựng có thể “win-win” (cùng thắng) để tồn tại, thay vì vẫn cạnh tranh nhau ở 2 bên chiến tuyến.

Việc cùng nhau liên kết, hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn cũng sẽ giúp các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi từ nhau, tạo ra mạng lưới liên kết kinh doanh sau này.

Bên cạnh chính sách “giải cứu” lĩnh vực bất động sản, sản xuất công nghiệp… các bộ, ngành cũng đang nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy lĩnh vực xây dựng để tiếp sức doanh nghiệp và các công nhân trong ngành xây dựng, sớm đưa các doanh nghiệp trong ngành xây dựng thoát khỏi giai đoạn khó khăn này.

  • Tags: