Thực trạng ngành xi măng hiện nay
Tiêu thụ nội địa giảm mạnh, khủng hoảng thừa
Giai đoạn cuối 2022, nửa đầu 2023 chứng kiến sự đi xuống rõ rệt của thị trường bất động sản và xây dựng, kéo theo đó là những ảnh hưởng không nhỏ đến ngành sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng.
Theo số liệu từ Bộ xây dựng, nửa đầu năm 2023, sản lượng sản xuất xi măng ước đạt 39 triệu tấn, giảm 7%, tiêu thụ đạt 43 triệu tấn, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, tiêu thụ nội địa đạt 29 triệu tấn, giảm 8% so với cùng kỳ năm 2022.
Thị trường BĐS đóng băng là nguyên nhân chính dẫn đến lượng tiêu thụ nội địa giảm mạnh, trong khi đó công suất thiết kế đang tăng, với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, công suất toàn ngành đang đạt 130 triệu tấn/năm, lượng tiêu thụ hiện chỉ đáp ứng được 1 nửa (khoảng 65 triệu tấn)
Xuất khẩu gặp khó
Trung Quốc và Philippines là 2 thị trường xuất khẩu xi măng lớn nhất hiện nay của Việt Nam cũng đang gặp phải các vấn đề. Theo Bộ Xây dựng, xuất khẩu sản phẩm xi măng và clinker 6 tháng đầu năm 2023 đạt 14 triệu tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị xuất khẩu ước đạt 700 triệu USD.
Với thị trường Trung Quốc – thị trường xuất khẩu xi măng lớn nhất của Việt Nam, hoạt động xuất khẩu xi măng sang Trung Quốc đang rất ảm đạm. Nguyên nhân là do thị trường BĐS Trung Quốc vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Trong khi đó tại Philippines, đất nước này hiện công bố áp thuế chống bán phá giá với xi măng Việt Nam, khiến việc xuất khẩu sang thị trường này không hề dễ dàng.
Giá nguyên liệu đầu vào ở mức cao
Cầu xi măng giảm, giá bán giảm nhưng giá điện, than và giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất xi măng đang ở mức cao khiến cho ngành sản xuất và kinh doanh đều bị ảnh hưởng. Nếu như thời điểm trước đây, các doanh nghiệp tăng công suất để gia tăng lợi nhuận thì giờ đây, càng chạy lò năng suất lại càng lỗ, lượng clinker đổ thải ra bãi càng nhiều, chất lượng giảm, chi phí logistic tăng. Xi măng là mặt hàng đặc thù, thời hạn sử dụng khoảng 60 ngày, không thể để lâu, nên không thể sản xuất rồi cất kho.
Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, hiện nay, giá điện chiếm 35% chi phí sản xuất. Giá điện tăng, kéo theo giá thành sản xuất tăng.
Giải pháp nào cho ngành xi măng
Khó khăn chồng chất khó khăn, nhiều nhà máy xi măng quy mô nhỏ phải dừng hoạt động, đóng cửa vĩnh viễn, có doanh nghiệp chọn giải pháp tạm dừng lò, cho công nhân nghỉ việc. Các doanh nghiệp lớn thì trụ lại tốt hơn, hoạt động ở mức duy trì, cầm chừng.
Về phía doanh nghiệp, trong giai đoạn khó khăn này, việc tiết kiệm là tất yếu, tiết giảm chi phí. Bên cạnh đó, tăng cường nghiên cứu ứng dụng công nghệ kỹ thuật trong sản xuất, nghiên cứu các nguyên nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng như tái sử dụng chất thải. Tận dụng nhiệt thừa để phát điện cũng được DN đẩy mạnh, tuy nhiên, khó khăn về vốn và yêu cầu phải bổ sung dự án vào quy hoạch điện lực địa phương cũng là rào cản, cần sự hỗ trợ tích cực của các cấp ngành và chính quyền địa phương.
Về phía nhà nước, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về thủ tục triển khai và vốn vay ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hỗ trợ xuất khẩu bằng cách giảm hoặc tạm hoãn tăng thuế xuất khẩu clinker.
Tin tức liên quan